10 GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VỀ BHXH-BH Y TẾ VÀ BH THẤT NGHIỆP

Giải đáp các thắc mắc về BHXH-BHYT và BHTN do Cổng Thông Tin Chính Phủ trả lời với những câu hỏi hay, cần thiết cho Doanh Nghiệp và Người Lao Động.

1-Hỏi: BHYT quốc tế có thay thế được BHYT tại nhà trường?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Tại Điểm b Khoản 4 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định học sinh, sinh viên thuộc đối tượng tham gia BHYT. Học sinh, sinh viên tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng và được hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định. Do đó tham gia BHYT thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của học sinh, sinh viên đối với cộng đồng xã hội và được đảm bảo quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Trong khi BHYT quốc tế là hình thức bảo hiểm thương mại, hoạt động tách rời, không phụ thuộc vào BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện. Việc mua BHYT quốc tế là tự nguyện của cá nhân để hưởng các gói quyền lợi theo hợp đồng đã ký giữa cá nhân và tổ chức bảo hiểm.

                                   

2-Hỏi: Chờ nghỉ hưu có cần đóng tiếp BHXH?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 2, khoản 5 Điều 3 Luật BHXH năm 2014, khoản 2 Điều 38 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng.

Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH, trong thời gian chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng mà người lao động tiếp tục tham gia BHXH thì được tính cộng nối thời gian công tác đã được ghi nhận trong quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH theo quy định.

Đối chiếu các quy định nêu trên, trường hợp công ty nơi ông Nguyễn Văn Long làm việc có một lao động nam năm nay 53 tuổi, có 25 năm đóng BHXH, đã xác nhận sổ BHXH chờ nghỉ hưu, nhưng sau đó lại tiếp tục giao kết hợp đồng lao động mà thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì công ty nơi ông Long làm việc phối hợp với người lao động để lập hồ sơ đăng ký tham gia và đóng BHXH bắt buộc cho người lao động để cộng nối với thời gian đã đóng BHXH trước đây làm căn cứ tính hưởng BHXH sau này theo quy định.

                                                     

3-Hỏi: Cách tính mức hưởng trợ cấp khu vực một lần.

Chi tiết câu hỏi:

Tôi là công chức đã nghỉ hưu, đóng BHXH liên tục được 41 năm 3 tháng. Trong quá trình công tác liên tục tôi có thời gian làm nhiệm vụ Quốc tế tại chiến trường K từ tháng 7/1979 đến tháng 7/1983 (49 tháng), cấp bậc: Trung sĩ. Tại điểm b khoản 2 Điều 31 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng dẫn cách tính mức trợ cấp một lần đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được tính như sau: ∑N = ij (0,4 x Hi x Tj x 15%) x Lmin. Theo cách tính đó BHXH địa phương chi trả trợ cấp khu vực một lần cho tôi như sau: 0,7 x 49 x 15% x 1.490.000 x 0,4 = 3.066.420đ . Trong đó: 0,7 là hệ số phụ cấp khu vực chiến trường K; 49 là số tháng tham gia chiến đấu tại chiến trường K; 15% là tỉ lệ đóng BHXH; 1.490.000đ là mức tiền lương cơ sở; 0,4 là hệ số phụ cấp quân hàm binh nhì. Vậy, đối với trường hợp của tôi có thời gian tham gia chiến đấu tại chiến trường K với quân hàm Trung sĩ (hạ sĩ quan), nhưng BHXH địa phương tính mức chi trả có nhân với hệ số 0,4 (là hệ số phụ cấp quân hàm binh nhì) và tính như vậy có đúng không? Theo giải thích của BHXH địa phương thì từ cấp bậc hạ sĩ quan đến binh nhì đều phải tính theo công thức trên có đúng không?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 31 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đã quy định cách tính mức hưởng trợ cấp khu vực một lần đối với người lao động có thời gian là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm được áp dụng công thức chung trong đó hệ số chung là 0,4.

Do đó, trường hợp của ông có thời gian tham gia chiến đấu tại chiến trường K với quân hàm trung sĩ (hạ sĩ quan), BHXH địa phương tính mức chi trả có nhân hệ số 0,4 để tính trợ cấp khu vực một lần đối với ông là đúng quy định.

4-Hỏi: Nghỉ việc sau khi nghỉ không lương có được trợ cấp thất nghiệp?

Bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN trừ các trường hợp sau: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN quy định: Thời điểm đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng BHXH bắt buộc. Người lao động đang đóng BHTN là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức BHXH xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau: Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng BHTN.

Trường hợp của bà Thu, bà nghỉ việc sau khi nghỉ không lương 7 tháng, có nghĩa là tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc bà không đóng BHTN, căn cứ các quy định nêu trên bà không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

                                                     

5-Hỏi: Có thể đóng BHXH trước cho lao động nghỉ việc được không?

Chi tiết câu hỏi:

Công ty của tôi đang nợ tiền BHXH tháng 1, 2, 3. Tuy nhiên tháng 2 và tháng 3 có người lao động xin nghỉ việc. Công ty tôi có thể làm công văn đề nghị đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN cho những lao động nghỉ việc này trước để kịp thời chốt sổ BHXH cho họ được không?

BHXH TP Đà Nẵng trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại điểm 3.2 khoản 3 Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:

Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sau khi đơn vị đóng, xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Về thủ tục xác nhận sổ bao gồm: Sổ BHXH, bản photo chứng từ chuyển tiền xác nhận sổ cho người lao động, danh sách lao động xác nhận sổ tương ứng với số tiền đã chuyển (nếu có).
6-Hỏi: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tính theo số tháng đóng.
Chi tiết câu hỏi:
Tôi làm việc tại 2 công ty được 11 năm, nghỉ 3 tháng để chuyển việc không đóng BHXH. Nếu tôi làm thủ tục hưởng BHTN và BHXH 1 lần thì có được tính đủ 11 năm không? Nếu không được tính đủ 11 năm thì số tháng hưởng BHTN và số tháng hưởng BHXH 1 lần là bao nhiêu?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

 

Về hưởng BHTN

Nếu ông đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định thì theo Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Về tính hưởng BHXH một lần

Nếu ông đủ điều kiện và có nhu cầu hưởng BHXH một lần thì căn cứ Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 quy định: Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trường hợp của ông đi làm tại 2 công ty 11 năm và nghỉ ngắt quãng 3 tháng (không tham gia BHXH), tuy nhiên ông không nêu rõ thời gian tham gia BHXH, BHTN cụ thể từ tháng, năm nào đến tháng, năm nào do đó BHXH Việt Nam không có căn cứ trả lời cụ thể số tháng ông được hưởng. Đề nghị ông đối chiếu các quy định nêu trên để xác định số tháng hưởng trợ cấp hoặc ông có thể liên hệ với cơ quan BHXH gần nhất để được giải đáp cụ thể.

7-Hỏi: Bị ốm đau vào ngày nghỉ hàng tuần có được hưởng bảo hiểm?

Chi tiết câu hỏi:

Tôi làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, có đóng BHXH, BHYT. Ngày 24/12/2019 tôi đi chữa bệnh nên nghỉ 7 ngày, trong đó ngày 24/12/2019 là ngày phẫu thuật, 6 ngày tiếp theo điều trị ngoại trú. Khi tôi nộp giấy viện xin nghỉ và xin thanh toán BHXH thì công ty trả lời riêng ngày thứ 7 và chủ nhật không được BHXH thanh toán. Do tính chất công việc nên công ty tôi làm việc 6 ngày/tuần, không được nghỉ ngày thứ 7 và chủ nhật, luân phiên nhau nghỉ vào các ngày thường trong tháng, mỗi tháng được nghỉ 1 ngày, hiện tôi được nghỉ vào ngày thứ 6. Vậy, công ty không thanh toán BHXH cho tôi vào ngày thứ 7 và chủ nhật có đúng không?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

 

Tại Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Tại Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH quy định: Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau thông thường trong 1 năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Tại Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB) ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN hướng dẫn cụ thể đơn vị sử dụng lao động ghi ngày nghỉ hàng tuần của người lao động không rơi vào ngày nghỉ hàng tuần theo quy định chung (ngày thứ Bảy và Chủ nhật) thì cần ghi rõ. Ví dụ: Ngày nghỉ hàng tuần vào ngày thứ Hai, thứ Năm hoặc Chủ nhật thì ghi: T2, T5 hoặc CN.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của ông Nam, cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ốm đau do đơn vị sử dụng lao động nộp để giải quyết chế độ ốm đau đối với ông. Ông không được chi trả tiền trợ cấp ốm đau đối với thời gian nghỉ ốm đau trùng với ngày nghỉ hàng tuần (trừ trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành).

Tại Điều 110 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về ngày nghỉ hàng tuần như sau: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc 1 ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Tại Điều 119, Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Nội quy lao động bao gồm nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp một số thông tin để ông tham khảo và có ý kiến với công ty của ông cần căn cứ vào quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện đảm bảo quyền lợi đối với người lao động.

8-Hỏi: Chuyển sang đóng BHXH mức thấp hơn, lương hưu tính thế nào?

Chi tiết câu hỏi:

Công ty của tôi có 1 lao động trước đây làm việc có phụ cấp độc hại nên đóng BHXH ở mức cao, hiện nay làm việc ở Công ty tôi không có phụ cấp nên đóng BHXH ở mức thấp. Vậy khi đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi về hưu thì tiền hưu trí của lao động đó được tính theo mức nào?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì: Người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương thuộc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định chuyển sang làm công việc khác mà đóng BHXH có mức lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy mức lương cao nhất của công việc đó để tính mức bình quân tiền lương làm cơ sở tính hưởng lương hưu.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trong trường hợp người lao động ở công ty Bạn có đủ 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, sau đó chuyển sang làm công việc khác mà đóng BHXH với mức tiền lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định nêu trên.

9-Hỏi: Đối tượng được thanh toán trực tiếp chi phí BHYT?

Chi tiết câu hỏi:

Tôi đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, TP. Hà Nội. Do bị xuất huyết tiêu hóa, tôi phải nhập viện tại Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn nhưng tôi không xuất trình thẻ BHYT. Tôi được hướng dẫn có thể thanh toán tiền viện phí trước, sau đó mang hóa đơn, chứng từ về Hà Nội thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH. Sau khi xuất viện, tôi có đem hóa đơn, giấy xuất viện đến BHXH quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội nhưng không được giải quyết. Vậy, BHXH quận Hoàn Kiếm làm như vậy có đúng quy định không? Nếu không đúng, tôi phải làm gì để được giải quyết chế độ?

Bảo hiểm xã hội quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Ông Chu Mạnh Quyền, mã thẻ BHYT là CH4010110102043, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đống Đa, TP. Hà Nội. Là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (mã đơn vị HW01197) đóng tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Vào thời điểm sau nghỉ Tết, ông Quyền có đến BHXH quận Hoàn Kiếm hỏi về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp cụ thể của ông do bị bệnh “Viêm dạ dày xuất huyết cấp tính” từ ngày 27/1/2020 đến ngày 30/1/2020 nhưng không trình thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, là cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng với cơ quan BHXH.

Căn cứ Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2018 thì trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này trước khi ra viện.

Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám, chữa bệnh.

Cơ sở khám, chữa bệnh không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm xã hội theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định này”.

Như vậy, trường hợp của ông Quyền không thuộc đối tượng được giải quyết thanh toán trực tiếp. BHXH quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã giải thích cho ông Quyền và không tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của ông.

10-Hỏi: Mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng?

Chi tiết câu hỏi:

Công ty của tôi có người lao động nghỉ ốm từ ngày 9/10-11/10/2019. Từ ngày 12/10 đến ngày 31/10/2019 nghỉ không hưởng lương. Vậy, 3 ngày nghỉ ốm này có được giải quyết chế độ ốm đau không? Tháng 10 không đóng BHXH do không đủ ngày công làm thì căn cứ quy định nào để hưởng chế độ?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quền theo quy định của Bộ Y tế.

Điểm 1 Công văn số 3432/BLĐTBXH-BHXH ngày 8/9/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chế độ BHXH theo Luật BHXH năm 2014 hướng dẫn như sau:

Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người lao động tại công ty của ông Út nếu đang tham gia BHXH và phải nghỉ việc do ốm đau, có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 100 Luật BHXH thì được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

                                                                                                        Theo công thông tin chính phủ./.

Bình luận