Bảo hiểm thất nghiệp: bắt buộc hay tự nguyện?

   Nhiều người lao động thắc mắc, nếu họ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không tham gia bảo hiểm thất nghiệp có được không? Bảo hiểm thất nghiệp là bắt buộc hay tự nguyện?

   Nhiều người lao động thắc mắc, nếu họ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không tham gia bảo hiểm thất nghiệp có được không? Bảo hiểm thất nghiệp là bắt buộc hay tự nguyện?

   Ông Lê Trung, phó cục trưởng cục Việc làm thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết:

   Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam. Theo luật Bảo hiểm xã hội, bất kỳ ai làm việc theo hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Riêng những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức hàng tháng nhưng tiếp tục đi làm thêm có hợp đồng lao động thì không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

   Quy định tổng số tiền tham gia bảo hiểm thất nghiệp với mỗi người lao động là 3% tiền lương hàng tháng nhưng người lao động chỉ phải đóng 1%, còn 1% do chủ sử dụng lao động đóng và 1% Nhà nước bù vào. Chính sách này nhằm tạo lưới đỡ tốt cho người lao động khi rơi vào hoàn cảnh yếu thế là mất việc làm.

   Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên, đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ khi đăng ký, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu mất việc làm. Khoản trợ cấp này thay thế cho trợ cấp thôi việc, mất việc trước đây. Mức trợ cấp bằng 60% bình quân mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp.

   Thực tế vẫn có nhiều lao động phàn nàn là thủ tục rườm rà gây khó cho họ khi nhận bảo hiểm thất nghiệp?

   Chúng tôi đã giản tiện tối đa các thủ tục hành chính để người lao động được chi trả bảo hiểm thất nghiệp một cách đơn giản nhất. Tuy nhiên, có những thủ tục người lao động vẫn bắt buộc phải thực hiện như photocopy bản chấm dứt hợp đồng lao động, xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội… Những thủ tục này là cần thiết để đảm bảo quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi đúng.

   Ông nghĩ sao khi hiện tại việc yêu cầu lao động phải có thông tin chốt sổ bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm xã hội khiến nhiều người quá hạn và không đủ điều kiện để hưởng vì cơ quan bảo hiểm làm chậm hoặc do doanh nghiệp nợ tiền cơ quan bảo hiểm?

   Quy định đó là bắt buộc bởi trong trường hợp nếu doanh nghiệp nợ tiền và chưa nộp bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động đã được hưởng là không hợp lý. Nguyên tắc chính để cân đối các quỹ này là lấy số đông bù số ít và phải tự cân đối được. Đây cũng là cách để người lao động ép lại chủ sử dụng phải nộp đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội cho mình, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Việc doanh nghiệp do nợ tiền mà người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng là vấn đề đáng suy nghĩ, vì ở đây doanh nghiệp có lỗi nhưng lao động phải gánh chịu.

Mức trợ cấp thất nghiệp được hướng dẫn thực hiện như sau:

• Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật (khoản 2 điều 16 của nghị định số 127/2008/NĐ-CP).

• Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:

a) Ba tháng, nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; b) Sáu tháng, nếu có đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; c) Chín tháng, nếu có đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; d) 12 tháng, nếu có đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên (khoản 3 điều 16 của nghị định 127/2008/NĐ-CP).

Nhưng trên thực tế, nếu số tiền trợ cấp thất nghiệp lao động chưa hưởng lần này thì sẽ được cộng dồn nếu lần sau bị thất nghiệp. Như vậy, nếu chưa hưởng thì tiền vẫn còn đó.

Bình luận