Các doanh nghiệp đang rất cần nguồn nhân lực tay nghề cao

Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp (KCN) và là nơi phát triển sản xuất công nghiệp vào hàng đầu cả nước. Kế hoạch của tỉnh là sẽ tiếp tục mở rộng, xây dựng thêm các KCN để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Cao Tiến Sỹ.

Trong 32 KCN được thành lập của Đồng Nai có  31 khu đã có dự án đi vào hoạt động, 1 KCN công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự tính đầu năm 2020, KCN công nghệ cao Long Thành sẽ bắt đầu thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào để xây dựng nhà xưởng sản xuất.

                                  

* Hạ tầng hoàn chỉnh

* Đồng Nai được xem là "cái nôi" phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước, ông đánh giá như thế nào về nhận xét trên?

 - Công nghiệp ở Đồng Nai phát triển từ rất sớm so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Với lợi thế về giao thông, khí hậu, thổ nhưỡng nên nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đến tỉnh đề nghị cấp phép đầu tư.

Từ rất nhiều năm trước, Đồng Nai đã xác định sẽ tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại. Xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu trong bảo vệ môi trường, tỉnh đã quy hoạch, xây dựng hạ tầng các KCN để mời gọi doanh nghiệp trong nước và FDI đến đầu tư.

Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong cả nước về thu hút dòng vốn FDI. Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với khoảng 1.300 dự án, có vốn đầu tư gần 25 tỷ USD. Bên cạnh đó, các KCN trên địa bàn tỉnh cũng thu hút được hơn 460 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 58,6 ngàn tỷ đồng. Mỗi năm, các KCN của Đồng Nai đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 800 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 500 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Các KCN tại Đồng Nai hoạt động ổn định và khá tốt, được nhiều doanh nghiệp FDI và trong nước đánh giá cao.

                                        

* Mấy năm gần đây, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đều “trải thảm” để thu hút những dự án FDI công nghệ cao. Vậy việc thu hút các dự án công nghệ cao của tỉnh có chịu sự cạnh tranh gay gắt với các tỉnh, thành khác?

- Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam cũng như cả nước đều “trải thảm” để mời gọi doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nên sự cạnh tranh trong mời gọi đầu tư giữa các tỉnh, thành khó tránh khỏi.

 

Các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới có công nghệ hiện đại đầu tư vào như: Bosch, Meggitt, Fujitsu, Hyosung, Schaeffler...

Tuy nhiên, Đồng Nai cạnh tranh bằng cách xây dựng hạ tầng các KCN thật hoàn chỉnh, phát triển giao thông kết nối tới những KCN, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng Nai cũng chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp đầu tư. Chính quyền tỉnh cũng sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động để mọi khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời.

Với những nỗ lực trên, tôi tin trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ thu hút được nhiều dự án FDI công nghệ cao nhiều hơn. Đặc biệt là khi KCN công nghệ cao Long Thành hoàn thành hạ tầng và đi vào hoạt động.

* Sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

* Vấn đề khó khăn nhất của các KCN của Đồng Nai hiện nay là gì?

- Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất của nhiều KCN tại Đồng Nai là thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao cho các công ty, nhà máy đang từng bước ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào trong sản xuất. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư mới vào tỉnh hoặc mở rộng sản xuất, thay đổi máy móc thiết bị hiện đại đều rất cần những lao động có tay nghề cao để làm việc. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao rất khó khăn. Đây cũng là một trong những hạn chế ảnh hưởng đến các dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Để giải quyết vấn đề trên, thời gian qua, tỉnh đã kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng để cung gặp cầu. Kết quả, nguồn nhân lực công nghệ cao đã được cải thiện, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng được một số vị trí lao động đang cần, song vẫn chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu.

* Trong những năm qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) vẫn chưa đạt được thứ hạng như mong muốn. Ông đánh giá ra sao về việc này?

- Chỉ số PCI cấp tỉnh là do Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam nghiên cứu đánh giá hằng năm thông qua việc lấy phiếu ý kiến từ các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI của các tỉnh, thành.  Mục đích nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của cấp tỉnh để thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh phát triển. Mỗi năm PCI của tỉnh đều được cải thiện và tăng điểm ở một số tiêu chí nhưng mức tăng chưa cao.

Năm 2018, PCI của Đồng Nai xếp hạng 26 nằm trong nhóm khá. Theo tôi, đây là kênh để Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các sở, ngành, địa phương xem xét lại để có hướng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp FDI khi có ý định đầu tư vào địa phương nào sẽ tìm hiểu rất kỹ về môi trường đầu tư và PCI cấp tỉnh thường được doanh nghiệp tham khảo. Vì vậy, nếu PCI cấp tỉnh xếp trong tốp 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước sẽ giúp tỉnh được đánh giá tốt hơn về môi trường đầu tư.

                                                                                                                                       -ST Internet-PAN

Bình luận