Cần có thêm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế bứt phá
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong 3 năm đại dịch COVID-19, thu ngân sách của Việt Nam không giảm, thậm chí nợ công giảm. Do đó, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh qua từng quý, từng tháng. Nếu quý I/2023 và quý II/2023, GDP Việt Nam tăng trưởng “khiêm tốn” lần lượt ở mức 3,28% và 4,05%, thì sang quý III, GDP ghi nhận mức tăng 5,33%.
Một số dự báo của các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước tự tin, GDP quý IV có thể hơn 7% so với cùng kỳ. Điều này sẽ giúp GDP cả năm 2023 cán mốc trên 5%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm, là 6,5%.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 giống như một người bệnh vừa được cấp cứu thành công.
“Người mới được cấp cứu, bắt đầu tập đi đã tốt, còn yêu cầu họ phải chạy nhanh, phải bứt phá thì khó. Nếu không cẩn thận, người đó có thể bị ngã” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân phân tích: Trong giai đoạn 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 đã “tàn phá” nặng nề, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Do đó, trong 1 ngày, 1 tháng hay 1 năm, rất khó có thể giải quyết những “di chứng” sau đại dịch COVID-19.
Bước sang năm 2022, mặc dù nền kinh tế có sự bứt phá rất mạnh, GDP tăng tới 8,02%, thế nhưng, thế giới năm ngoái lại biến động rất mạnh và ảnh hưởng cả sang năm 2023.
“Thật sự không may, năm 2022, Việt Nam có lực tăng trưởng rất mạnh và được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2023. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine trong năm ngoái đã đảo lộn mọi thứ. Giá nhiên liệu, giá lương thực tăng phi mã, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy. Trong một xã hội toàn cầu hóa, những trục trặc của thế giới sẽ lan ra toàn cầu, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí còn “ngấm đòn” nặng hơn, do chúng ta có độ mở kinh tế rất cao” - ông Ngân nói.
Trong buổi làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam vào tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những giải pháp có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của sự phát triển và thời gian tới, cần phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, đây là lúc cần chung tay, đoàn kết, thống nhất để tháo gỡ khó khăn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, nắm bắt khó khăn, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chính sách tháo gỡ. Doanh nghiệp cũng phải đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, thường xuyên đổi mới, có các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2023, chiến sự Nga - Ukraine chưa kết thúc, thì tiếp tục nảy sinh ra các xung đột địa chính trị mới. Điều này một lần nữa “giáng” một đòn mạnh vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Từ đầu năm 2023 cho tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm Nghị định, Quyết định rất mạnh tay, chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế bứt phá.
Đơn cử, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành 44 Nghị định, 106 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 18 Quyết định quy phạm pháp luật, 844 Quyết định cá biệt, 22 Chỉ thị, 43 Công điện và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử, như Tổ công tác về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản,...
Hơn nữa, Chính phủ tổ chức gặp các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, ở nhiều ngành nghề để lắng nghe các khó khăn của họ đang gặp phải. Đồng thời, Chính phủ trực tiếp làm việc với từng địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; từng bước xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm.
Chính phủ không hề cô đơn. Trên thực tế, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ các khó khăn đã và đang tồn đọng trong nhiều năm.
Ngoài các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng,... đều có những tổ công tác riêng, nhằm chủ động tháo gỡ các khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại mỗi địa phương.
“Một trong những rào cản lớn nhất của kinh tế Việt Nam đó là thủ tục hành chính còn rườm rà, hệ thống pháp luật còn chồng chéo. Những yếu tố này đều ảnh hưởng mạnh tới tâm lý và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Năm 2023, Chính phủ và các địa phương đã rất nỗ lực tháo gỡ những khó khăn đó, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là một trong những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2023” - ông Ngân nhấn mạnh.
Cần có thêm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp
Bên cạnh những thông tin tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhìn thẳng vào những khó khăn vẫn đang tồn tại. Trong đó, số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động rất lớn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2023, có 146.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, với số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có phần tăng mạnh trong năm 2023, Việt Nam cần phải có thêm các giải pháp hỗ trợ cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Về các giải pháp trực tiếp, ông Ngân cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét giảm thêm thuế, phí. Mức độ giảm sâu hơn hiện tại, mạnh tay hơn. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đồng ý giảm 2% thuế VAT, song PGS.TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị giảm sâu hơn mức đó.
Về các giải pháp gián tiếp, trong năm 2023, Chính phủ đã có những quyết định mạnh tay trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm bớt các loại giấy tờ không thiết.
“Năm 2024, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thêm năng lượng để phục hồi” - ông Ngân nói.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, xem xét bài toán thủ tục vay, có thể Chính phủ dùng ngân sách để đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, trong 3 năm đại dịch COVID-19, thu ngân sách của Việt Nam không giảm, thậm chí nợ công giảm. Do đó, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn, ông Ngân cho rằng, Chính phủ nên chấp nhận bội chi ngân sách nhằm đảm bảo quá trình hồi phục kinh tế đúng tiến độ. Vì như vậy, kinh tế mới bứt phá.
Nguồn: Internet