Có thể tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?
Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ, ai làm việc theo hợp đồng lao động cũng đóng nhưng chỉ người bị mất việc mới được hưởng.
Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Quỹ này có 3 nguồn thu là NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% và Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% (nguồn này do ngân sách trung ương bảo đảm). Như vậy, mỗi năm, Quỹ BHTN thu tổng cộng 36% mức lương tháng của NLĐ, trong đó chỉ có 12% là NLĐ đóng từ tiền lương của mình.
Tuy nhiên, khi mất việc, NLĐ đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp với rất nhiều quyền lợi như: trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế miễn phí, chi phí học nghề mới…
Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu của NLĐ là 3 tháng (khi đóng BHTN đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng). Sau đó, NLĐ cứ đóng đủ thêm 12 tháng BHTN thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng.
So sánh các quy định trên có thể thấy tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ cao hơn mức đóng rất nhiều (60% mức hưởng so với 12% mức đóng).
Số tiền hưởng BHTN thực tế cũng cao hơn nhiều lần số tiền NLĐ đã đóng vì tiền lương tháng làm căn cứ để hưởng trợ cấp là tiền lương 6 tháng gần nhất trước khi thất nghiệp, trong khi tiền lương tháng đóng BHTN giai đoạn trước đó có thể thấp hơn rất nhiều.
Theo số liệu báo cáo của các Trung tâm dịch vụ việc làm, trong năm 2022, cả nước có gần 984.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số đó có hơn 975.000 người được giải quyết hưởng trợ cấp.
Những con số này cho thấy bảo hiểm thất nghiệp đang thực hiện tốt chức năng hỗ trợ NLĐ khi hầu hết NLĐ mất việc đều nhận được trợ cấp thất nghiệp, có tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian thất nghiệp, đi tìm công việc mới.
Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: "Chính sách BHTN ngày càng phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp và giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua".
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của BHTN là chỉ có NLĐ làm việc trong khu vực chính thức, có hợp đồng lao động mới được tham gia với hình thức bắt buộc. Lao động khu vực phi chính thức muốn tham gia BHTN cũng không được vì loại hình bảo hiểm này không có hình thức tự nguyện.
Theo Điều 43 Luật Việc làm 2013, 2 nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHTN là NLĐ và đơn vị sử dụng lao động.
NLĐ được tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn; xác định thời hạn; theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Nhận ra hạn chế trên, trong kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHTN.
Cụ thể, Bộ này đề xuất cho tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Nếu đề xuất này được thông qua, nhóm lao động được tham gia BHTN sẽ được mở rộng, quy mô NLĐ được bảo đảm chính sách an sinh khi chẳng may mất việc sẽ lớn hơn rất nhiều.