Công nhân đến gần hơn với ước mơ có nhà

Việc phải chi trả phí tuyển dụng cao làm tăng nguy cơ bị tổn thương của NLĐ khi họ phải trả các khoản nợ trong nhiều tháng và đôi khi là nhiều năm.

                                     

Chấp nhận ở trọ chật chội

Căn phòng trọ 17 m2 có giá thuê 700.000 đồng/tháng tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội là nơi sinh hoạt của gia đình 4 người, hai vợ chồng với 2 đứa con. Chị Dương Thanh Nga (Tuyên Quang) - nữ công nhân Khu công nghiệp Thăng Long cho biết, gia đình chị đã sinh sống nhiều năm tại những căn trọ như thế này.

Đều làm công nhân, tổng thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng chị khoảng 15 triệu đồng. Trước kia, khi chưa lập gia đình, chị cũng ở căn phòng trọ giá rẻ, diện tích sinh hoạt không quá 15 m2.

Hiện nay, khi nuôi hai con nhỏ, phải chi tiêu nhiều khoản nên dù điều kiện sinh hoạt trong căn phòng trọ chật chội, thiếu thốn, chị Nga càng không dám chuyển đến phòng trọ khác rộng rãi, khang trang hơn.

“Phòng rộng, đẹp, điều kiện tốt hơn thì giá đắt hơn nên dù muốn thuê căn nhà rộng để cho con được vui chơi, gia đình có chỗ sinh hoạt thoải mái nhưng đồng lương không đáp ứng đủ nhu cầu” - chị Nga than.

Tìm hiểu những dự án về nhà ở xã hội cho công nhân, chị Nga cho rằng, với mức giá cao như hiện nay những gia đình công nhân như chị khó có thể tiếp cận.

“Ban đầu tôi nghe được một căn nhà có giá bán khoảng 500 - 600 triệu đồng nhưng không rõ là bao nhiêu mét vuông, còn bây giờ phải có 700 - 800 triệu đồng may ra mới mua được. Mục tiêu mua nhà thì có từ rất lâu rồi nhưng càng làm thì càng không đạt được, chỉ đủ tiền sinh hoạt gia đình, tiền học của con mỗi ngày thôi. Có lẽ mục tiêu đó bị bác bỏ!” - nữ công nhân nói.

Mong mỏi được hỗ trợ 

Không chỉ chị Nga, nhiều công nhân cũng bày tỏ muốn được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở, yên tâm lao động.

Theo anh Văn Quang (Hòa Bình) thu nhập của anh gần như là cố định, trung bình mỗi tháng đi làm đủ ca, đủ ngày chỉ khoảng 8 triệu đồng, nếu được làm thêm nhiều sẽ nhận về 9 triệu đồng/tháng, trong khi các chi phí chi tiêu, giá cả thị trường thì không ngừng tăng. Điều này càng khiến những công nhân với đồng lương như anh khó chạm tay vào ước mơ có nhà ở Hà Nội.

“Lương của công nhân đã cố định, mỗi năm chỉ tăng được rất ít, trong khi đó giá đất, giá nhà mỗi ngày một cao. Số lượng công nhân đến khu công nghiệp làm ăn, sinh sống cũng tăng nên để tiếp cận với nhà ở xã hội với công nhân thì rất xa vời” - anh Quang nói.

Khi được hỏi nguyện vọng để có thể mua được một căn nhà ở xã hội theo đề án mới đây, nam công nhân mong mỏi đề án này sẽ hỗ trợ nguồn vay với mức ưu đãi hợp lí, giá nhà cũng phù hợp với mức thu nhập để họ có thể mua được nhà.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Ngày 3.4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đề án này được kì vọng sẽ giúp đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp đến gần hơn với ước mơ có nhà ở, yên tâm lao động.

Theo nguồn Internet.

Bình luận