Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019: Tương lai việc làm-Lựa chọn của Việt Nam

Tương lai việc làm của Việt Nam nằm ở quyết định lựa chọn, và Việt Nam đang cho thấy sự lựa chọn của mình thông qua cải thiện kỹ năng lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động - Đây là những thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 với chủ đề "Tương lai việc làm-Sự lựa chọn của Việt Nam", diễn ra sáng nay 27/11 tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức trong khuôn khổ năm kỷ niệm 100 năm thành lập của ILO, và sẽ trở thành sự kiện định kỳ hai năm một lần. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Diễn đàn Lao động 2019
Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là một dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế. Bộ luật đã tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc của các công ước lao động quốc tế, đặc biệt là các công ước cơ bản của ILO
“Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã điều chỉnh một số vấn đề quan trọng như mở rộng diện điều chỉnh của Bộ luật, không chỉ giới hạn ở lao động có quan hệ lao động như trước kia, mà điều chỉnh cả một số nội dung liên quan tới những lao động không có quan hệ lao động, nâng tổng số đối tượng được điều chỉnh bởi Bộ luật lên hơn 55 triệu. Để phù hợp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn quan hệ lao động của Việt Nam cũng như phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ luật Lao động lần này đã có những điều chỉnh quan trọng liên quan tới quyền của người lao động được thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để tiến hành đối thoại, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động. Đặc biệt, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
            
                                              Các đại biểu tham dự Diễn đàn Lao động 2019
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Báo cáo toàn cầu về Tương lai việc làm của ILO đã đưa ra những đánh giá về những yếu tố tác động tới tương lai của việc làm như vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sự phát triển của công nghệ mới và chuyển đối số. Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động rõ nhất của biến đối khí hậu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đưa ra chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dần đưa chuyển đổi số vào các lĩnh vực của kinh tế và đời sống xã hội.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lê Văn Thanh hi vọng các bên sẽ nhận diện, trao đổi về những thách thức, thời cơ của vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Đó là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam; tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đối mới hệ thống an sinh xã hội theo hướng thiết kế hệ thống đa kênh, đa tầng, trong đó chú ý những đối tượng yếu thế để sao không để ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam đang có lựa chọn đúng cho tương lai việc làm
Theo ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam: Ngày nay thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn với tốc độ ngày càng nhanh, tác động tới sinh kế của hàng triệu người nam và nữ, cả người sử dụng lao động và người lao động. Những nhân tố thay đổi chính bao gồm cải tiến công nghệ với điển hình là Cách mạng 4.0, hệ thống thương mại toàn cầu với độ kết nối ngày càng lớn, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.

         
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Lao động 2019
“Việt Nam đã và đang là một câu chuyện thành công, với tốc độ tăng trưởng cao bền vững trong những năm qua dù bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đây là kết quả của sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam quyết định phát triển kinh tế thông qua hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn, kết hợp với những cải cách trong nước”- ông Chang-Hee Lee nhận định.
                               
               Đối thoại cấp cao của các diễn giả tại Diễn đàn Lao động 2019
Theo ông Chang-Hee Lee, để hiện thực hóa quyết tâm trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế. Việt Nam đang cho thấy những bước tiến đúng đắn và quan trọng thông qua việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động
“Tôi tin tưởng rằng việc đảm bảo việc làm bền vững và thỏa đáng cho mọi người, thông qua những tiến bộ về nâng tầm kỹ năng, an sinh xã hội toàn dân và quan hệ lao động hiệu quả, sẽ là một phần không thể thiếu của Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tiếp theo mà Việt Nam đang hoàn thiện, bởi đây là một yếu tố chính thúc đẩy chính sách xã hội để phát triển kinh tế” Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Phác họa thế giới việc làm tại Việt Nam
Theo một báo cáo mới của ILO được công bố tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019, kinh tế Việt Nam đang tạo ra ngày càng nhiều việc làm cần kỹ năng trung bình và kỹ năng cao.
Ấn phẩm “Việc làm thỏa đáng và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” đã chỉ ra rằng tăng trưởng việc làm trung bình hàng năm của Việt Nam trong thập kỷ qua tập trung vào nhóm việc làm cần kỹ năng trung bình và cao.
Thống kê phân bổ việc làm theo mức kỹ năng của Việt Nam cho thấy hơn một nửa (53%) số việc làm trên cả nước là việc làm cần kỹ năng trung bình, và 12% đòi hỏi kỹ năng cao. Số còn lại (36%) là việc làm kỹ năng thấp.
Tính trung bình, các nước thu nhập trung bình cao có tỷ trọng việc làm kỹ năng thấp tương đồng với Việt Nam (32%), tỷ trọng việc làm kỹ năng trung bình lớn hơn (48%), và tỷ trọng việc làm kỹ năng cao lớn hơn rất nhiều (ở mức 20%, cao gần gấp đôi Việt Nam).
Theo báo cáo này, Việt Nam đang sở hữu dân số đặc biệt năng động, với tỷ lệ tham gia thị trường lao động ở mức hơn 70% đối với phụ nữ (so với mức trung bình 48% trên thế giới), và 81% với nam giới.
Việc làm trong ngành sản xuất đã và đang tăng với tốc độ rất cao tại Việt Nam, kể từ năm 2014 luôn ở mức cao hơn mức chung của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
“Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm, nhưng cần thêm việc làm tốt hơn”- bà Barcucci cho biết. “Tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp. Tuy nhiên, chất lượng việc làm lại đang là một thách thức.”
Việc làm dễ bị tổn thương đang trên đà giảm dần nhờ vào xu hướng công nghiệp hóa và tăng số lượng việc làm trong ngành sản xuất. Nhưng vào năm 2018, vẫn có tới 54% người lao động đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Nhóm việc làm này đặc thù là thường không có sự bảo vệ và thu nhập thường rất thấp. Cải thiện chất lượng việc làm trong nhóm việc làm này của thị trường lao động cần phải trở thành một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu hiện đại hóa kinh tế xã hội.

Bình luận