Doanh nghiệp dệt may tìm cách thích ứng với khó khăn
Các doanh nghiệp dệt may đang dần “ngấm đòn” khi khó khăn bủa vây. Tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm đã dẫn đến các thị trường đưa ra hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.
Doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn về đơn hàng.
Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp không còn lợi nhuận
Liên tục từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt may gặp khó khăn, từ thiếu nguyên liệu, lãi suất tăng đến thiếu lao động cho sản xuất. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng giảm dẫn tới không có đơn hàng cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony chia sẻ: “Đây là lý do mà doanh nghiệp đang nỗ lực để có thể duy trì sản xuất, có việc làm, duy trì thu nhập cho người lao động chứ không tính đến lợi nhuận”.
Theo tính toán sơ bộ từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Chịu tác động từ hàng loạt những khó khăn do tình hình dịch bệnh, lạm phát tại các thị trường truyền thống, đồng tiền mất giá, sức mua toàn cầu giảm, những tháng đầu năm, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may giảm mạnh. Theo tính toán sơ bộ từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quý I/2023 đạt 5,087 tỷ USD, giảm 17,97% so với cùng kỳ 2022. Đây là con số rất đáng chú ý vì việc doanh nghiệp giảm nhập khẩu đồng nghĩa với việc sẽ không có hàng hoá xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài trong thời gian tới.
Mỹ chiếm trên dưới 20% giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam và đang được đánh giá là thị trường mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhiều nhất.. Trong khi đó, các thị trường như khu vực Đông Nam Á, châu Á... gặp khó khăn ít hơn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp ngành dệt thông tin, nhu cầu về các mặt hàng sợi có cải thiện nhưng không đáng kể dẫn đến lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp tăng cao, thậm chí lượng tồn lên đến 1 tháng sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp ngành may, tình hình sản xuất cũng ảm đạm không kém, nhiều đơn hàng bị dừng hoặc nếu có cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp hơn từ 20%-50% so với năm 2022. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp may phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không chủ đạo để để có thể duy trì được hoạt động sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, khác với trước kia là ngay từ quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp nói rằng tôi có đơn hàng đến tháng 6-9 sang năm rồi, bây giờ, câu chuyện thường lệ của thị trường là ai, có đơn hàng trước 2 tháng đã là giỏi.
Đối với Vinatex, ngay cả trong giai đoạn vừa qua mà nhiều doanh nghiệp bên ngoài khó khăn, thậm chí phải dừng lao động, đóng cửa nhà máy hay là cắt giảm hợp đồng thì hệ thống của Vinatex thì chưa phải thực hiện việc đó. Nhưng cũng rõ ràng là, so với việc có những tháng “đỉnh cao”, phải tăng ca khoảng 40 giờ một tháng thì những tháng vừa rồi, tỷ lệ doanh nghiệp không có tăng ca tăng dần.
Thị trường nội địa là mảng thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp dệt may hiện nay.
Tình hình có khởi sắc hơn trong quý II?
Về tình hình thời gian tới, Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, trong quý II, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng tháng 4. Dự kiến tới tháng 7 - 8/2023 thị trường mới ấm trở lại.
Theo các chuyên gia dự báo, những khó khăn của ngành dệt may sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý 2/2023. Do đó, để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp phải cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghiệp, hướng đến phát triển bền vững đồng thời là giải pháp của nhiều doanh nghiệp để đáp ứng thị phần may mặc toàn cầu. Đồng thời, xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường ngách cũng được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa và hiệu quả.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, chia sẻ: “Hiện nay, Hiệp hội Dệt May Việt Nam luôn luôn khuyến cáo các doanh nghiệp phải đa dạng hóa các mặt hàng. Đồng thời, phải đầu tư thiết bị công nghệ tự động hóa chuyên dụng, đặc biệt là trong ngành may gắn với việc đào tạo nguồn lực vận hành các thiết bị máy móc đó làm sao hiệu quả nhất”.