Đời sống Công nhân Hậu Covid

Tăng tỉ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng giới do dịch

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Con số này tương ứng với tỉ lệ thất nghiệp 5,7%. Không tính đến thời kỳ khủng hoảng COVID-19 thì năm 2013 là lần cuối ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp ở mức này.

“Khoảng trống việc làm”

Ngày 4.6, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Hà Nội cho biết Báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021” của ILO dự báo “khoảng trống việc làm” do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ đạt đến con số 75 triệu năm 2021, trước khi giảm xuống còn 23 triệu vào năm 2022.

Theo phân tích của ILO, khoảng trống về thời giờ làm việc, bao gồm cả khoảng trống việc làm và số giờ làm việc bị giảm tương đương với 100 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2021 và 26 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2022.

Thiếu hụt việc làm và thời giờ làm việc sụt giảm cũng bắt nguồn từ tỉ lệ thất nghiệp cao. Bên cạnh đó tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động và điều kiện làm việc kém từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Đây chính là cơ sở để ILO đưa ra nhận định dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Con số này tương ứng với tỉ lệ thất nghiệp 5,7%. Không tính đến thời kỳ khủng hoảng COVID-19 thì năm 2013 là lần cuối ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp ở mức này.

Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2021 là châu Mỹ Latin và Caribe, Châu Âu và Trung Á.

Ở cả hai khu vực này, ước tính tổn thất về thời giờ làm việc đã vượt mức 8% trong quý I và 6% trong quý II trong khi mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong quý I và quý II lần lượt là 4,8% và 4,4%.

Dự báo công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vaccine không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của những việc làm mới tạo ra ở những nước này cũng có khả năng kém hơn.

Việc làm và thời giờ làm việc giảm kéo theo sự sụt giảm mạnh về thu nhập từ lao động, cùng với đó là sự gia tăng tương ứng về tỉ lệ nghèo. So với năm 2019, giờ đây đã có thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới được phân loại vào nhóm nghèo hoặc nghèo cùng cực.

Theo báo cáo, “những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát”, đồng thời Báo cáo cho biết thêm điều này khiến việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc về xóa nghèo trước năm 2030 càng khó khả thi hơn.

Việc làm của phụ nữ đã giảm 5% năm 2020

Nói về vấn đề này, ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO - nhận định: Phục hồi từ đại dịch COVID-19 không chỉ là vấn đề về sức khỏe. Cần phải khắc phục cả những thiệt hại nặng nề mà đại dịch gây nên đối với các nền kinh tế và xã hội.

Nếu không có những nỗ lực trọng điểm nhằm đẩy nhanh quá trình tạo việc làm thỏa đáng và hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, khôi phục những lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thì trong nhiều năm tới, chúng ta có thể sẽ vẫn còn phải gánh chịu những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch.

Ở đây, ảnh hưởng lâu dài của đại dịch chính là trên phương diện thiệt hại về tiềm năng con người, tiềm năng kinh tế và tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng gia tăng. Khủng hoảng COVID-19 cũng khiến cho những bất bình đẳng vốn đã có từ trước trở nên tồi tệ hơn do tác động nặng nề hơn tới những người lao động dễ bị tổn thương.

Việc thiếu các chế độ an sinh xã hội ở nhiều nơi, như tình trạng của 2 tỉ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới, đồng nghĩa với sự gián đoạn về việc làm do đại dịch đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với thu nhập và sinh kế của gia đình người lao động. Cuộc khủng hoảng cũng tác động đặc biệt nghiêm trọng tới phụ nữ.

Việc làm của phụ nữ đã giảm 5% năm 2020, trong khi mức giảm việc làm của nam giới là 3,9%. Tỉ lệ phụ nữ rời khỏi thị trường lao động và không còn hoạt động kinh tế còn lớn hơn nữa.

Theo ông Guy Ryder, “chúng ta cần phải có chiến lược toàn diện và đồng bộ, dựa trên những chính sách lấy con người làm trung tâm và được hỗ trợ bởi hành động và kinh phí. Công cuộc phục hồi sẽ không thực chất nếu không phục hồi việc làm thỏa đáng”.

 Theo Công đoàn Việt Nam

Bình luận