Đủ hướng mưu sinh sau mất việc
Sau khi mất việc tại nhà máy, nhiều công nhân lựa chọn về quê sinh sống, số khác dùng số tiền được công ty hỗ trợ khi mất việc để làm vốn kinh doanh, đổi nghề.
Sau khi mất việc tại nhà máy, nhiều công nhân lựa chọn về quê sinh sống, số khác dùng số tiền được công ty hỗ trợ khi mất việc để làm vốn kinh doanh, đổi nghề.
Rời nhà máy về quê
13 năm trước chị Võ Thị Hồng (30 tuổi) rời quê Quảng Bình vào TP Hồ Chí Minh xin làm công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân).
Chị Hồng chia sẻ, khi rời quê vào thành phố chị mong muốn có công việc ổn định, nhưng khi tình hình kinh tế khó khăn, công việc và thu nhập giảm sút chị quyết định xin nghỉ đi tìm công việc mới. Không như chị dự tính, đơn hàng thiếu hụt
khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng.
“Trong đợt thỏa thuận chấm dứt hợp hồng vào tháng 6, tôi không có tên trong danh sách nhưng lo ngại tình hình sản xuất thời gian tới sẽ khó khăn hơn và lo ngại những đợt cắt giảm sau không có tiền hỗ trợ nên tôi chủ động xin nghỉ để tìm kế sinh nhai khác” - chị Hồng bộc bạch.
Sau nhiều lần đi xin việc không được, chi phí tại TP Hồ Chí Minh lại đắt đỏ, cuối tháng 7 vừa qua sau khi nhận được sổ BHXH, chị Hồng quyết định về quê sinh sống cùng đứa con trai 9 tuổi.
Cũng như chị Hồng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng (47 tuổi, quê Nghệ An) quyết định hồi hương sau khi cả 2 vợ chồng cùng bị cắt giảm lao động. Hơn 7 năm trước, hai vợ chồng anh Bằng gửi con cho ông bà ở quê rồi khăn gói vào TP Hồ Chí Minh làm việc để có tiền lo cho hai đứa con ăn học.
Gói ghém đủ đường, thu nhập của hai vợ chồng mới đủ trang trải cuộc sống và lo cho hai con ăn học. Anh Bằng tâm sự, có những lúc ông bà ở quê ốm đau thì số tiền kiếm được không đủ xoay xở.
“Chúng tôi khăn gói từ quê vào chỉ muốn có việc làm chứ đâu ai muốn nghỉ việc về quê, nhưng giờ bị công ty cắt giảm trong khi đã lớn tuổi khó xin được việc mới, nên buộc lòng phải hồi hương” - anh Bằng chia sẻ.
Xoay xở sau mất việc
Sau khi mất việc tại Công ty TNHH PouYuen, chị Trần Thị Hoài Phương (30 tuổi, quê Vĩnh Long) được nhận hơn 80 triệu đồng hỗ trợ từ công ty. Xin việc nhiều nơi nhưng không được, chị Phương dùng số tiền hỗ trợ đó để làm vốn bán cafe cho khách mang đi.
“Số tiền nhận được cũng đủ để tôi trang trải trong lúc đi tìm công việc mới, trong thời gian này tôi đi bán cafe để có thu nhập” - chị Phương nói.
Hàng ngày, chị Phương có mặt tại khu công nghiệp Tân Tạo từ 5h30 đến 9h sáng để bán cafe cho công nhân làm tại khu công nghiệp. Chị Phương chia sẻ, mỗi ngày lợi nhuận từ việc bán cafe từ 100.000 - 150.000 đồng, so với việc làm công nhân ở nhà máy thì ít và bấp bênh hơn.
Cũng như chị Phương, số tiền hỗ trợ hơn 110 triệu đồng từ công ty, chị Hồ Thị Trang (công nhân Công ty PouYuen) dùng một phần để lo cho con đi học, số còn lại chị Trang để dành tính chuyện làm ăn sau này.
“Hiện số tiền đó tôi vẫn để lo cho con đi học rồi dùng một phần để làm vốn làm ăn. Tôi tính sẽ dùng số tiền đó để kinh doanh nhưng hiện tại chưa quyết định sẽ kinh doanh gì” - chị Trang chia sẻ.
Còn với chị Võ Thị Hồng, do là mẹ đơn thân nên kinh tế của chị khó khăn hơn. Số tiền hỗ trợ hơn 90 triệu đồng của công ty lúc nghỉ việc, chị Hồng dùng một phần để trả nợ, số còn lại chị dùng để lo cho con.
“Số tiền như một khoản cứu cánh với tôi khi mất việc, giờ chưa xin được việc, tôi dùng số tiền đó để trang trải trước, sau khi nhận bảo hiểm thất nghiệp xong tôi sẽ tính tiếp” - chị Hồng nói.
Theo nguồn Internet-Báo Lao Động