Giá điện tăng: Bình thường và bất thường
Giá điện bình quân được EVN chính thức tăng lên mức 1.920,3732 đồng/kWh kể từ ngày 4.5. Giá này đồng nghĩa với mỗi “số điện” tăng 55,9 đồng so với giá cũ.
Tăng giá điện để dân gánh lỗ cho EVN không phải là giải pháp dài hạn. Ảnh Đình Hải
Mức tăng tương đương 3% được cho là bình thường và hợp lý bởi nó nằm trong thẩm quyền của EVN, căn cứ theo quy định hiện hành. Cũng hợp lý là bởi mức tăng này không “sốc”, bởi dù đã tăng đến 1.920 đồng mỗi số, thì EVN vẫn tiếp tục gánh lỗ do giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh.
Bất thường chính là ở chỗ vì sao EVN lỗ, mà lỗ rất khủng. Chỉ riêng năm 2022, EVN lỗ… hơn 1 tỉ USD, tương đương 26.235,78 tỉ đồng. Khoản lỗ này còn chưa tính 14.700 tỉ đồng khoản tiền chênh lệch tỉ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Mặc dù Bộ Công Thương và EVN liên tục khẳng định các báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh điện của EVN đều là những báo cáo đã được cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện nhưng những khoản lỗ của EVN chưa được công khai, chi tiết đến minh bạch.
Bất thường còn là EVN cũng chưa trả lời được câu hỏi: Cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con thì vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022? Điển hình như hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng...
Vậy khoản lỗ của EVN đến từ đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, phải chăng vấn đề nằm ở năng lực quản lý của chính EVN?
Nghĩa là các yếu tố khiến EVN lỗ dẫn đến việc phải tăng giá điện như là một giải pháp bắt buộc chưa được làm rõ.
Còn một nghịch lý nữa là trong khi EVN kêu lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá bán điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có hồi kết tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.
Giải pháp lâu dài cho ngành điện không phải là tăng giá bán để giảm lỗ, nói cách khác là "để dân gánh lỗ cho EVN" mà cần tìm ra phương án để đảm bảo an ninh năng lượng, tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong đó có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện.
Thực tế, người dân sẵn sàng chấp nhận giá điện tăng nếu không có những dấu hỏi và bất thường xung quanh chuyện giá điện và lỗ - lãi của EVN.