Hai nhóm giải pháp phục hồi thị trường lao động hậu COVID-19

(Chinhphu.vn) - Đợt dịch COVID-19 trong 7 tháng năm 2021 đã tác động rất lớn đến thị trường lao động, làm “tê liệt” thị trường phía Nam vốn sôi động và thu hút nhiều nhân lực nhất. Hai nhóm giải pháp trọng yếu sẽ được thực hiện để phục hồi thị trường lao động hậu COVID-19.

Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) vừa xây dựng báo cáo tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động 7 tháng năm 2021. 

Cục Việc làm dự kiến, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%, nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Cục Việc làm dự kiến 3 kịch bản thị trường lao động trong thời gian tới, với 3 mức là tốt, thường và xấu.

Theo đánh giá của Cục Việc làm, thị trường lao động tiềm ẩn nguy cơ có tính dài hạn cả về cung và cầu lao động. Để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, ổn định thị trường lao động, Cục đã xây dựng 2 nhóm giải pháp trọng yếu.

Thứ nhất là nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch.

Theo đó, cần đẩy nhanh tốc độ đàm phán, nhập và tổ chức tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Cục Việc làm cũng cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch, cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cục Việc làm cũng đề nghị các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam chủ động phối hợp với các tỉnh cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc, thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê, dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh này kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thứ hai là các giải pháp để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Theo đó, cần có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, các đơn vị cần tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất; nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung-cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

 Theo Chinhphu.vn

Bình luận