Năm chính sách mới liên quan đến quyền lợi lao động có hiệu lực từ 1.1.2022

Tăng lương hưu, tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quyền lợi bảo vệ người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới là những chính sách lao động có hiệu lực từ 1.1.2022.

Tăng lương hưu, trợ cấp 7,4%

Từ hôm nay 1.1, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng được tăng lương hưu, trợ cấp với mức 7,4% theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Năm chính sách mới liên quan đến quyền lợi lao động có hiệu lực từ 1.1.2022  - ảnh 1

Nhiều chính sách liên quan đến người lao động có hiệu lực từ hôm nay 1.1.2022

THU HẰNG

Đối tượng điều chỉnh bao gồm: những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước tháng 1.2022; người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tháng 1.1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/người.

Mức điều chỉnh chung cho các đối tượng là 7,4%. Sau khi điều chỉnh theo mức chung, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng được điều chỉnh tiếp.

Cụ thể, đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống tăng thêm 200.000 đồng/tháng; đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian điều chỉnh từ 1.2022.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Tiếp tục thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ theo bộ luật Lao động 2019, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm.

So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu năm 2022 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, NLĐ có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải đóng BHXH và thuế 2 lần

Từ ngày 1.1, luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực.

Điểm mới đáng chú ý tại luật sửa đổi lần này là quy định quyền của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần…

Đặc biệt, trong luật mới có thêm nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài, nhất là quy định cho phép NLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục…

Luật cũng nghiêm cấm các hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo NLĐ; lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động; cấm thu tiền môi giới của NLĐ; thu tiền dịch vụ của NLĐ không đúng quy định; sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, luật mới còn quy định rõ cấm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các công việc sau: massage tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí; săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn như dưới lòng đất, đại dương…

Cấp thẻ BHYT miễn phí cho người thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Từ hôm nay, theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng (quy định chuẩn nghèo cũ, giai đoạn 2016 - 2020 khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng).

Theo BHXH Việt Nam, những người thuộc diện chuẩn nghèo cũ từ nay sẽ phải chủ động tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như trước đây. Còn các đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí kể từ ngày 1.1.2022.

Ngoài ra, theo căn cứ vào Nghị định 07, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 có sự điều chỉnh theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Phân biệt đối xử trong lĩnh vực bình đẳng giới bị phạt 30 - 60 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Nghị định có hiệu lực từ 1.1.2022 quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.

Cụ thể, nghị định quy định phạt từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi: xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới; xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

Đối với hành vi xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho người thuộc một giới tính nhất định khi bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Không thực hiện việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng áp dụng đối với hành vi: phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập; từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

Đặc biệt, mức phạt tiền cao nhất từ 20 - 30 triệu đồng áp dụng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

Trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình, nghị định quy định đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

Hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

BHXH Việt Nam cho biết, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng.

Nguồn-Internet

Bình luận