Những điểm mới về lương hưu, bảo hiểm xã hội từ năm 2022

Năm 2022 sẽ có nhiều sự thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Những điểm mới về sự thay đổi này người lao động nên biết.

Tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2022

Nghị định 108/2021/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.

Ngoài ra, sau khi tăng 7,4% mà mức hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của người nghỉ hưu trước năm 1995 vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng thì họ còn được tăng thêm với mức như sau:

- Tăng 200.000 đồng/người/tháng: Người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng: Người có mức hưởng từ 2,3 - dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động so với năm 2021

Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường như sau:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Theo đó, sang đến năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau:

- Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 6 tháng (tăng 3 tháng so với năm 2021).

- Lao động nữ: Từ đủ 55 tuổi 8 tháng (tăng 4 tháng so với năm 2021).

Thay đổi cách tính lương hưu của lao động nam

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu của người lao động được tính theo công thức chung sau đây:

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội.

Lương hưu năm 2022 vẫn được tính theo công thức trên nhưng cách xác định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam sẽ có sự điều chỉnh.

Cụ thể, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Theo quy định trên, lao động nam nghỉ hưu năm 2022 phải đóng Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mới được tính hưởng tỷ lệ 45%. Trong khi đó, ở năm 2021, chỉ cần đóng Bảo hiểm xã hội đủ 19 năm là lao động nam đã được hưởng 45%.

Với cách tính mới này, lao động nam nghỉ hưu năm 2022 mà đóng đủ 20 năm chỉ được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội. Và muốn hưởng tỷ lệ tối đa 75% thì lao động nam phải đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 35 năm trở lên (năm 2021 chỉ cần đóng từ đủ 34 năm trở lên).

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hộitự nguyện tối thiểu từ năm 2022

Theo Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện là mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hộitự nguyện mức tối thiểu sẽ tăng từ năm 2022.

Cụ thể, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn năm 2022 là 1,5 triệu đồng/tháng (mức cũ năm 2021 là 700.000 đồng/tháng). Kéo theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hộitự nguyện từ năm 2022 sẽ tăng.

Hằng tháng, người lao động sẽ phải trích 22% mức thu nhập mà mình chọn để đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, từ năm 2022, mức đóng bảo hiểm xã hộitự nguyện tối thiểu của người lao động được tính như sau:

Mức đóng tối thiểu = 22% x 1,5 triệu đồng = 330.000 đồng

Từ năm 2022, lao động nước ngoài được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần khi nghỉ việc.

Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần của người lao động nước ngoài sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Do đó, căn cứ khoản 6 Điều 9 Nghị định này, người lao động nước ngoài tham gia Bảo hiểm xã hội sẽ được lấy bảo hiểm xã hội 1 lần khi có yêu cầu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

- Đang mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

- Đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam.

- Bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.

Như vậy, nếu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động mà có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động nước ngoài có thể làm hồ sơ đề nghị hưởng theo quy định.

 
TTXVN
Bình luận