Phép tính của công nhân khi nắng nóng đổ lửa, giá điện 3.000 đồng/số

Hơn 14 giờ ngày 22.5, trời nắng nóng như đổ lửa, trong căn phòng trọ chật chội, ngột ngạt tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, chị Lò Thị Mỹ Hạnh nằm bẹp xuống sàn nhà để nghỉ trưa.

 

b23-05

Dù có điều hoà nhưng anh Nguyễn Văn Thành không dám bật thường xuyên, chấp nhận cảnh nóng nực để tiết kiệm tiền điện. Ảnh: Bảo Hân

“Nằm trên giường thì nóng, nên tôi trải chiếu xuống sàn để mát hơn” - nữ công nhân giải thích.

Chiếc quạt bật hết công suất nhưng vẫn không thể xua đi không khí ngột ngạt. Để chống lại cái nóng, nữ công nhân thường xuyên uống nước đá, lau sàn nhà…

Trên tường treo chiếc điều hoà nhiệt độ, nhưng không hoạt động. Chị Hạnh giải thích, dù rất muốn bật điều hoà để ngủ ngon hơn, nhưng nghĩ đến số tiền điện phải trả, chị thấy… sợ, nên đành nhịn.

b23-051

Chị Hạnh uống nước mát để giải nhiệt. Ảnh: Bảo Hân

Nơi chị trọ đang áp giá điện kinh doanh là 3.000 đồng/số, vì vậy nếu dùng điều hoà thường xuyên, tiền điện mỗi tháng sẽ lên đến hơn cả triệu đồng. Nữ công nhân tâm sự rất thật rằng, mỗi lần trả tiền điện, chị rất xót. Nhiều khi chị chỉ mong được đi làm ở công ty, vì được ở trong nhà xưởng mát lạnh, không phải chịu cảnh nóng nực nếu về nơi trọ.

“Tháng 4 vừa rồi, tôi dùng điều hoà không thường xuyên, thế nhưng cũng hết 500.000-600.000 đồng tiền điện. Nếu dùng điều hoà thoải mái, chắc số tiền phải lên tới hơn 1 triệu đồng hoặc cao hơn. Trong khi đó, riêng tiền nhà là 1,2 triệu đồng/tháng” - nữ công nhân tính toán.

Làm công nhân, thu nhập của người mẹ 2 con này rơi vào khoảng 6-7 triệu đồng/tháng nếu làm giờ hành chính; nếu đi làm kíp (12 giờ/ngày), thu nhập được 10 triệu đồng/tháng. Chị cùng 2 con thuê trọ tại Hà Nội, còn chồng vẫn đang ở quê Sơn La.

b23-052

Ở nhà một mình, chị Hạnh chỉ bật quạt, không dám bật điều hoà. Ảnh: Bảo Hân

Chị bảo, chịu khổ đã quen, nên dù nắng nóng chị vẫn có thể ngủ được, dù chập chờn. Chỉ khi nào 2 con nhỏ đi học về, chị mới bật điều hoà.

“Nếu không có điều hoà nhiệt độ, các con không thể ngủ được khi trời nắng thế này. Phải ưu tiên cho các con là vì vậy” - nữ công nhân nói.

Cũng giống như chị Hạnh, anh Nguyễn Văn Thành thuê trọ gần đó cũng ít khi dám bật điều hoà. Chỉ khi nào có con nhỏ 10 tuổi ở nhà, hoặc khi cả nhà chuẩn bị đi ngủ, anh mới bật lên 1-2 tiếng cho có hơi mát, sau đó lại tắt đi, bật quạt. Anh cởi trần, bật chiếc điều hoà hết công suất để chống lại cái nóng.

“Tốn tiền mua điều hoà nhiệt độ mà không dùng khi trời nắng nóng như đổ lửa như này, nghe qua thì khó hiểu. Nhưng nếu đặt vào tình cảnh của người lao động như chúng tôi thì rất dễ hiểu, khi thu nhập thấp, trong khi cuộc sống ở trọ rất nhiều thứ phải chi", anh Thành nói.

Anh Thành làm thợ xây, công việc không ổn định, thu nhập chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long, có mức thu nhập khá hơn, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.

b23-053

Anh Thành trong căn phòng trọ chật chội, nóng nực. Ảnh: Bảo Hân

“Nếu mỗi khoản chi đội thêm một chút thì một tháng vợ chồng tôi phải tiêu thêm rất nhiều tiền, không thể có khoản dành dụm để đề phòng những lúc ốm đau” – anh Thành giải thích lý do tiết kiệm.

Tháng vừa qua, dù dùng rất “rón rén” nhưng số điện nhà anh là 150. Với giá 3.000 đồng/số, riêng tiền điện là 450.000 đồng. “Thử tưởng tượng nếu tôi dùng thoải mái điều hoà nhiệt độ, có lẽ số tiền điện phải gấp 2, gấp 3. Vì vậy, tôi chấp nhận chịu nóng còn hơn là chịu mất thêm nhiều tiền” – anh Thành nói, gạt mồ hôi chảy thành giọt trên trán.

b23-054

Mồ hôi chảy thành giọt trên mặt anh Thành khi trò chuỵện với phóng viên. Ảnh: Bảo Hân

Nhiều công nhân cho biết, dù rất nóng bức, nhưng điều họ lo lắng hơn cả là số tiền phải chi cho điện, nước, thuê nhà. Nếu không tiết kiệm, trong khi thu nhập không cao, họ rất khó để dành dụm tiền đề phòng những lúc ốm đau. Vì vậy, họ chấp nhận chịu đựng nắng nóng trong những căn phòng trọ miễn sao tiết kiệm được chi phí trang trải cuộc sống.

Nguồn : Báo Lao Động

Bình luận