Tận dụng cơ hội từ "đại bàng" Mỹ

52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, chuyên gia cho rằng, cơ hội hợp tác tuy vô cùng lớn để hai bên có thể hợp tác lâu dài và toàn diện.

Cơ hội vô cùng lớn

Từ 21-23.3, đại diện 52 công ty, tập đoàn Mỹ… đã sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức.

Trong đó, có những tên tuổi lớn như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Citibank, Meta, Amazon; hay các công ty đã hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo, Apple…

Chuyến đi này của các doanh nghiệp Mỹ thể hiện sự quan tâm lớn đến cơ hội hợp tác với Việt Nam, một nền kinh tế tăng trưởng đến 8% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

PGS.TS Đặng Văn Thanh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hàng năm, đều có đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tới Việt Nam, nhưng có lẽ, chưa bao giờ quy mô lớn như năm nay.

Có tới 52 doanh nghiệp, bao gồm rất nhiều "đại bàng" trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, bán dẫn, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng… đã tới Việt Nam.

"Điều này một lần nữa khẳng định mối quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ tới thị trường Việt Nam", ông nói.

Theo ông, việc 52 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư là điểm rất sáng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, cho họ thấy chính sách tích cực của chúng ta trong bối cảnh hội nhập.

24-03

Cơ hội đầu tư lớn từ chuyến đi của 51 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam. Ảnh: Cường Ngô

"Cần phải xác định được chúng ta có điều kiện thuận lợi gì để giới thiệu; phải chứng minh được môi trường đầu tư của Việt Nam rất thuận lợi, ổn định và nhiều tiềm năng", ông nói.

Cần đẩy mạnh khai phá tiềm năng của nền kinh tế số

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong những năm qua, quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ đã phát triển một bước rất dài. Hiện Việt Nam và Mỹ đã là đối tác toàn diện của nhau.

"Đối tác toàn diện nghĩa là gì, nghĩa là không có lĩnh vực nào không thể làm đối tác của nhau. Đấy là bước tiến rất dài cả về chiều dài và chiều sâu trong mối quan hệ hai nước", ông nói.

Theo ông, trong quá trình hơn 30 năm đổi mới, một trong những việc chúng ta làm thành công nhất là đã hình thành được khuôn khổ nói chung trong quan hệ giữa hai nước và khuôn khổ pháp lý cho đầu tư thương mại nước ngoài nói riêng.

"Chúng ta đã đi 1 bước rất dài trong việc này, từ chỗ chưa có luật đến giờ chúng ta đã có được khung cơ bản. Song để 1 môi trường hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, luật chỉ là một khía cạnh, mà còn nhiều yếu tố nữa, ta phải có lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện khách quan cho nước ngoài đầu tư.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai phá tiềm năng của nền kinh tế số. Cùng với đó phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu; cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư", ông nói.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến 20.2.2022, Mỹ đứng thứ 11 trong danh sách 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư Mỹ hiện có 1.145 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,3 tỉ USD. Các nhà đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (43,1%) và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (32% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi…

NGUỒN : BÁO LAO ĐỘNG

Bình luận