Tăng lương hưu theo tỉ lệ % hay giá trị tuyệt đối là công bằng?

Đọc rất nhiều bài báo bình luận của các bạn về vấn đề tăng lương, phải tăng đều nhau, đóng cao hưởng nhiều nhưng tôi thấy tăng theo % như nhau là chưa công bằng và chưa chính xác.

1. Chúng ta khi so sánh thường tính theo % và nghĩ nó là chính xác. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng: Thứ nhất, số tiền 100.000.000 đồng/tháng nếu tăng 6% thì tương ứng với 6.000.000 đồng/tháng, còn nếu 5.000.000 đồng/tháng thì 6% chỉ tương ứng với 300.000 đồng/tháng.

Điều này thực sự quá bất công, người lương 100.000.000 đồng/tháng thì đối với họ thêm 6.000.000 đồng không ảnh hưởng bao nhiêu. Nhưng với người lương 5.000.000 đồng/tháng, số 6.000.000 đồng đó quá lớn.

Công bằng ở đây không chỉ xét theo % mà tôi nghĩ cả theo giá trị tuyệt đối.

Hai phương án tăng lương hưu cho đối tượng hưởng lương thấp hiện nay
Hai phương án tăng lương hưu cho đối tượng hưởng lương thấp hiện nay.

Thứ hai, quy luật của cuộc sống và sản xuất, quy mô càng lớn thì khả năng tăng càng khó và tỉ lệ tăng rất nhỏ. Điều này được kinh tế học giải thích theo quy luật hiệu suất giảm dần.

Bạn thân mến, GDP của Việt Nam quy mô nhỏ nên tăng trưởng có thể 6-7%/năm nhưng của Mỹ họ quy mô lớn chỉ tăng 1-2%/năm mà thôi. Nếu công ty bạn có doanh thu 1 tỉ đồng thì để doanh thu tăng lên thành 2 tỉ đồng khá dễ dàng (tăng theo % là 100%, nhưng theo giá trị tuyệt đối chỉ là 1 tỉ đồng). Nhưng nếu công ty của bạn có doanh thu 10.000 tỉ đồng, chắc chắn không thể tăng doanh thu lên thành 20.000 tỉ đồng được (tăng % là 100%, tăng tuyệt đối là 10.000 tỉ đồng).

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy, trên thị trường lao động, lương thấp dễ tăng và có thể tăng theo tỉ lệ % rất cao. Nhưng lương cao thì rất khó để tăng cao được (tỉ lệ % cao) và cũng không thể tăng liên tục được.

Bên cạnh đó, người lương cao còn rất dễ bị sa thải, mất việc và khó tìm được việc thay thế.

2. Chúng ta lưu ý, nếu tăng theo tỉ lệ % cào bằng hiện nay, người lương cao mãi sẽ cao cao mãi, trong khi người thấp sẽ thấp mãi - khoảng cách ngày càng nới rộng. Quỹ để tăng lương là một số tuyệt đối, số tiền lương của chúng ta nhận được là một số tuyệt đối, tại sao chúng ta lại cứ lấy số tương đối để tăng và coi số tương đối là công bằng (trong khi số tuyệt đối thì cách nhau quá xa).

Quỹ bố trí 50.000 tỉ đồng để tăng lương cho mọi người thì nhóm người giàu như ví dụ trên hưởng 99,4% quỹ, còn người nghèo chỉ hưởng 0,4% quỹ. Quá không công bằng.

3. Con số lương hưu xác định bằng tỉ lệ % (giả sử 75%) lương đóng bảo hiểm đã gây méo mó, hiểu lầm và gây sự mất công bằng về số tuyệt đối.

Ví dụ: Người lương cao đóng bảo hiểm trên số dư 100.000.000 đồng/tháng, người lương thấp đóng bảo hiểm trên số lương 5.000.000 đồng/tháng. Khi đó: + Số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm của người lương cao: = 28%*100.000.000 đồng = 28.000.000 đồng/tháng + Số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm của người lương thấp: = 28%*5.000.000đ đồng = 1.400.000 đồng/tháng. Mức chênh về giá trị tuyệt đối giữa hai người khi đi làm và đóng bảo hiểm chỉ là 28.000.000- 1.400.000 = 26.600.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi hưởng lương hưu, người lương cao được hưởng 75%*100.000.000 = 75.000.000 đồng/tháng, trong khi người lương thấp được hưởng 75%*5.000.000 = 3.750.000 đồng/tháng.

Chênh lệch lương hưu sau khi nghỉ làm (đều nghỉ hưu như nhau) lên tới 71.250.000 đồng/tháng - trong khi chênh lệch đóng tiền bảo hiểm chỉ là 26.600.00 đồng/tháng. Sự chênh lệch này ngày càng lớn nếu cứ tính tăng theo tỉ lệ %.

Như vậy, vì tính theo tỉ lệ % nên người lương cao được lợi hơn rất nhiều người lương thấp và họ sử dụng quỹ lương nhiều hơn rất nhiều người lương thấp (người lương cao lợi tới 47.00.000 đồng/tháng trong khi người lương thấp chỉ được lợi ra 2.350.000 đồng/tháng, chênh lệch đóng bảo hiểm chỉ là 26.600.00 đồng/tháng nhưng chênh lệch hưởng lên 71.250.000 đồng/tháng). Nói một cách chính xác, người lương cao được quỹ bảo hiểm trợ cấp nhiều hơn rất nhiều so với mức họ đóng.

Rõ ràng tăng theo tỉ lệ % đều nhau là tiếp tay cho phân hóa giàu nghèo, người giàu càng được quỹ chi trả nhiều hơn, và rất phi thực tế về tăng trưởng theo quy mô - quy mô càng lớn thì tốc độ tăng trưởng càng nhỏ và càng khó đạt được.

4. Tôi nghĩ rằng, bất công ở đây là đóng 25% lương nhưng hưởng 75% lương đóng, mà không phải là hưởng trên số tiền thực tế đã đóng, người đóng nhiều càng có lợi và được bảo hiểm chi trả nhiều hơn trong khi đó về số tuyệt đối họ không hơn nhiều như vậy (khi đóng bảo hiểm). Chúng ta đã tạo ra sự chênh lệch quá lớn và quỹ bảo hiểm phải bù quá lớn, càng tính tỉ lệ % càng chênh lệch lớn.

Ngoài ra, khi tăng lương theo tỉ lệ % do tăng đều nhau nên người lương càng cao càng lợi, trong khi thực tế lương cao gần như rất khó tăng.

Công bằng ở đây không phải tỉ lệ tăng đều đều như nhau, mà chúng ta phải lưu ý quy mô khác nhau thì tỉ lệ phải khác nhau, không bao giờ quy mô to chúng ta lại được tốc độ tăng trưởng lớn. Đó là bài toán của cuộc sống, quy mô càng to thì tỉ lệ tăng trưởng càng nhỏ. Một doanh nghiệp doanh thu 1 tỉ đồng thì tốc độ tăng trưởng luôn khác doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỉ đồng, không thể ép họ tăng trưởng đều 50% được.

5. Đóng bảo hiểm xã hội là bắt buộc. Mục tiêu của Quỹ bảo hiểm xã hội không phải là để phân chia quyền lợi theo đóng góp, mà mục tiêu đầu tiên là AN SINH XÃ HỘI. Khi về hưu, chúng ta cần hiểu, an sinh xã hội là mọi người được đáp ứng các nhu cầu tối thiểu sau khi cả đời cống hiến, làm việc vất vả phục vụ đất nước và hưởng công bằng hơn (ở đây chúng ta không nên lấy theo tỉ lệ % một cách vô lý mà cần phải căn cứ vào giá trị tuyệt đối của mức đóng).

Chúng ta thấy rằng, không phải người đóng bảo hiểm xã hội thấp họ muốn thế mà do công việc đó là như vậy. Bên cạnh đó, người đóng bảo hiểm cao thì ngoài việc họ được hưởng cao rồi nhưng thực sự là cao hơn nhiều so với họ đóng góp trong khi chắc chắn họ có các nguồn tài chính lớn khác và có nhiều điều kiện hơn.

Do đó, tôi hy vọng không có sự quá bất công trong việc tăng lương và hy vọng tương lai sẽ không tăng lương theo tỉ lệ % nữa. Một cách công bằng phải dựa vào nhiều yếu tố và thực tế khách quan, không phải tăng tỉ lệ % như nhau là công bằng. Nhiều khi vô tình chúng ta làm cho phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc sau khi về hưu (thời điểm đang làm thì chênh lệch đóng ít, nhưng sau khi về hưu thì chênh lệch thu nhập lại nhiều gấp đôi, lớn hơn rất nhiều).

Trên cơ sở mục tiêu của Quỹ bảo hiểm xã hội, thực tế cuộc sống (không phải mọi người lương đều liên tục tăng được, lương càng cao càng khó tăng và tỉ lệ tăng càng nhỏ, giảm sự chênh lệch giữa mức đóng góp thực tế và hưởng thực tế), quy luật hiệu suất theo quy mô...

Tôi ủng hộ quan điểm những người lương hưu cao từ 11.000.000 đồng/tháng (bằng mức giảm trừ gia cảnh) trở lên thì không tăng hoặc tăng với tỉ lệ thấp hơn nhiều so với người lương thấp, đồng thời cần có mức lương hưu tối thiểu đối với người hưởng lương hưu để họ đảm bảo an sinh.

Bình luận