Tư vấn về BHXH-BHTN-BHYT
Chủ đề lần 2: “Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, những vấn đề mà người lao động, doanh nghiệp và người dân cần quan tâm”.
Hỏi: Thời gian đóng BHXH tự nguyện được bao nhiêu năm là đủ để hưởng chính sách như BHXH bắt buộc?
Trả lời: Được quy định tại Khoản 2 điều 5 nghị định 134/NĐ-CP ngày 29.12.2015 quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Hỏi: Thủ tục muốn tham gia BHXH tự nguyện cho hộ gia đình bao gồm những gì? Và đến đâu để đăng ký?
Trả lời:
- Liên hệ đại lý thu Bưu điện hoặc tại BHXH quận huyện để được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và mức đóng.
Hỏi: Độ tuổi được tham gia BHXH tự nguyện là bao nhiêu?
- Từ đủ 15 tuổi trở lên.
Hỏi: Thẻ BHYT của tôi hết hạn ngày 10/8/2019. Hiện nay tôi đang điều trị nội trú tại bệnh viện, vậy sau ngày10/8/2019 tôi có được hưởng tiếp BHYT cho hết đợt điều trị nội trú từ ngày 1/8 đến ngày13/8. Tôi mua lại từ ngày 15/8?
Trả lời: Theo qui định tại Nghị định 146, thẻ bhyt của bạn hết hạn ngày 10/8/2019, bạn sẽ được hưởng BHYT hết đợt điều trị nội trú này (từ 1/8 đến 13/8/2019).
Hỏi: Đơn vị chúng tôi lâu nay trả lương và có quy định rõ trong HĐLĐ mức thu nhập đó bao gồm tiền lương và phụ cấp lương rồi. Vậy, với quy định mới phải đóng BHXH cả: Tiền lương và phụ cấp lương (phải ghi rõ trong HĐLĐ) chúng tôi có phải tách 2 khoản đó ra rõ ràng thay vì gộp vào như trước đây không? Và cách đóng BHXH tính như thế nào?
Trả lời: Bạn có thể tham khảo các quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH để đóng BHXH cho đúng quy định.
Hỏi: Người lao động đang tham gia BHXH bị chẩn đoán Thoát Vị Bẹn Trái /Viêm dạ dày. Phương pháp điều trị: Cắt Túi Sa Tái Tạo Thành Bụng Prolene Mesh. Theo Giấy Ra Viện thì NLĐ vào viện ngày 1/8/2019 ra viện ngày 3/8/2019. Bác sĩ điều trị đề nghị nghỉ từ ngày 4/8/2019 đến 10/8/2019 trên giấy ra viện. Trường hợp này thì NLĐ được nghỉ bao nhiêu ngày vậy ạ (làm hồ sơ hưởng ốm đau).
Trả lời:
- Trường hợp này thì NLĐ được nghỉ ốm từ 1/8/2019 đến 10/8/2019. Trong đó trừ đi những ngày nghỉ hằng tuần tại công ty, chỉ thanh toán những ngày đi làm việc.
Hỏi: Vợ tôi có hộ khẩu ở Tuyên Quang và tham gia BHYT theo hộ gia đình ở đó. Nay vợ tôi muốn tách khẩu để chuyển về Khánh Hòa cùng với tôi. Vậy các chế độ BHYT mà vợ tôi tham gia có bị ảnh hưởng gì không?
- Trường hợp của vợ bạn khi tham gia BHYT tiếp tục ở Khánh Hòa thì chế độ BHYT không bị ảnh hưởng.
Hỏi: Mức lương hiện tại của tôi là 11.000.000 đồng cho 26 ngày làm việc, trong đó bao gồm:
Trả lời:
- Lương cơ bản (ghi trên HDLD để tham gia BHXH): 5.300.000 đồng
- Lương trách nhiệm (không ghi trong HDLD) : 3.000.000 đồng
- Lương sản phẩm (không ghi trong HDLD): 2.700.000 đồng.
Ngoài ra, nếu làm đủ ngày công thì tôi còn nhận thêm được tiền trợ cấp nhà trọ, tiền thưởng chuyên cần. Nếu trong tháng có đi công tác ngoài thường xuyên thì được thêm tiền hỗ trợ điện thoại, tiền thanh toán cơm trưa. (Tất cả những tiền này không cố định và không ghi trong HDLD).
Hỏi: Xin cho hỏi vậy theo Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, tiền đóng BHXH của tôi sẽ bao gồm những khoản nào? Có phải chỉ là khoản lương cơ bản ghi trên HDLD thôi vì những khoản tiền kia không có trong HDLD?
Trả lời: Căn cứ Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐ
Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP bao gồm:
- Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
- Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- a) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- b) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
- b) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11.
Cơ quan BHXH thu những khoản theo quy định tại điều trên.
Hỏi: Khi tham gia BHXH TN thì có được hưởng chế độ khi ốm đau, nghỉ bệnh và thai sản không? Cụ thể là nhận tiền trợ cấp khi bệnh, khi sinh con, hay không?
Trả lời:
- Khi tham gia BHXH TN thì không được hưởng chế độ khi ốm đau, nghỉ bệnh và thai sản. Chỉ hưởng chế độ Hưu trí, chế độ Tử tuất (theo nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2105).
Hỏi: Công ty tôi đã hoạt động được 3 năm lĩnh vực bất động sản, bây giờ tôi muốn đóng BHXH cho nhân viên của tôi (11 người). Xin hỏi thủ tục như thế nào, tôi có bị phạt không, tôi muốn đóng lại cho 3 năm trước có được không?
- Theo quy định nếu người lao động làm việc tại cty của bạn được ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trường hợp chưa đóng thì được truy đóng. Ngoài số tiền đóng theo quy định bạn phải đóng thêm một khoản tiền lãi truy thu do chậm đóng.
Hỏi: Tôi là người đi lao động tại Nhật. Vừa qua tôi có xem về luật đóng BHXH đối với người lao động ở nước ngoài. Tôi muốn hỏi: tôi phải đóng 22% theo mức lương cơ bản tại Nhật Bản hay mức lương cơ bản của Việt Nam? Vì ở bên Nhật Bản cũng đã đóng rồi.
- Mức lương cơ bản tại Việt Nam.
Hỏi: Trong thời gian nghỉ thai sản có dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì có được trừ ngày nghỉ Tết ra hay không?
Trả lời: Thời gian nghỉ thai sản không có trừ ngày tết, được quy định tại Khoản 7 điều 34 luật BHXH.
Hỏi: Tôi đóng BHTN được 5 năm 10 tháng. Tôi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) 3 tháng hồi tháng 4, tháng 5 và tháng 6, được bảo lưu lại 10 tháng lẻ. Đến tháng 7 tôi ký hợp đồng đi làm tiếp và có đóng BHXH. Tuy nhiên vì một số lý do nên tháng cuối tháng 8 này tôi xin nghỉ việc để về quê. Vậy tôi có được TCTN nữa không?
Trả lời: Điều 49 Luật Việc làm quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
- a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- e) Chết.
Nếu đủ điều kiện như trên thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hỏi: Chào anh/chị. Đối với lao động tham gia đầy đủ BHXH, mỗi tháng công ty đều trích tiền lương đóng bảo hiểm nhưng công ty lại không đóng cho bên bảo hiểm, khi lao động nghỉ việc thì lại không chốt được sổ do công ty nợ tiền bảo hiểm. Như vậy rất thiệt thòi cho người lao động, xin hỏi anh chị với trường hợp như trên thì có hướng giải quyết nào để không thiệt thòi cho người lao động không? Ai là người chịu trách nhiệm, và công ty có bị xử lý không?
Trả lời: Căn cứ tại Điểm 3.2, khoản 3, điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của Tổng giám đốc BHXH VN quy định, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm BHXH.
Nếu người sử dụng lao động nợ BHXH, không chốt sổ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì người lao động được quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về BHXH theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 8, Điều 18 luật BHXH năm 2014).
Hỏi: Mua BHXH tự nguyện thì mức đóng là bao nhiêu vậy ạ? Mua BHXH tự nguyện sau này sẽ được hưởng lương hưu phải không ạ?
Trả lời: Mức đóng tùy theo bạn đăng ký, tối thiểu 700.000đ, tối đa 20 lần lương cơ sở sở, sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.
Hỏi: Tôi đóng BHXH được 15 tháng, đã nhận BHTN, nay tôi không làm trong công ty, chuyển sang làm tự do nên không đóng tiếp BHXH, vậy tôi có thể đóng sổ để nhận BHXH 1 lần được không?
Trả lời:
- Trường hợp bạn đóng BHXH được 15 tháng, đã nghỉ việc không đóng tiếp BHXH, nếu sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH thì được nhận trợ cấp BHXH theo quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc Hội.
Hỏi: Xin các chuyên gia cho tôi hỏi: nếu một người lao động làm việc ở 02 nơi trở lên thì họ sẽ đóng BHXH, BHYT như thế nào ah?
- Tham gia BHXH tại 1 công ty, công ty còn lại đóng BHTNLĐ BNN. BHYT đóng theo hợp đồng có mức lương cao hơn.
Hỏi: Xin hỏi tôi là công chức xã, đóng BHXH 22 năm, vừa rồi phải mổ u nang nằm điều trị có giấy ra viện ghi điều trị 14 ngày. Nay kế toán xã yêu cầu tôi phải về bệnh viện xin giấy nghỉ việc (mẫu C65) để làm chế độ BH. Như vậy có đúng không và xin hỏi trường hợp tôi được hưởng chế độ BHXH như thế nào?
Trả lời: Giấy ra viện có thể hiện số ngày điều trị 14 ngày là điều trị nội trú, khi ông xuất viện nếu được bác sĩ điều trị đề nghị nghỉ thêm thì sẽ cấp GCN nghỉ việc hưởng BHXH có thể hiện thời gian điều trị. Hiện ông đã có giấy ra viện nên sẽ căn cứ vào đó để thanh toán, không phải xin cấp GCN nghỉ việc cho 14 ngày như ông hỏi.
Hỏi: Em có BHYT đăng ký KCB ban đầu là ở BV Hóc Môn nhưng em muốn tự đi khám bệnh ở BV Tai Mũi Họng TP.HCM thì có sử dụng được thẻ BHYT này không? Và nếu được sử dụng thì sẽ được hưởng bao nhiêu % chi phí khám chữa bệnh? Em mong nhận được câu trả lời để em hiểu rõ hơn?
Trả lời: Theo quy định hiện hành thì trường hợp tự đi KCB ngoại trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, nên người bệnh phải tự chi trả.
Hỏi: Tôi tham gia BHXH BB được 18 năm, nay tôi nghỉ công ty cũ nên muốn rút tiền BH 1 lần có được không? Và nếu sau này tôi tham gia BHXH TN đóng 1 lần thì có được không? Tôi năm nay 40 tuổi, nữ.
Trả lời:
- Bạn có thời gian tham gia BHXH BB được 18 năm thì được hưởng trợ cấp BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH (theo quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc Hội.
- Hiện nay bạn 40 tuổi nếu không hưởng trợ cấp BHXH một lần thì có chốt sổ bảo lưu thời gian đóng BHXH trên, khi đủ 55 tuổi thì có thể tham gia BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm đóng BHXH hưởng lương hưu.
- Hoặc bạn có thể tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH từ 20 năm trở lên.
Hỏi: Hiện nay em đăng ký KCBBĐ tại BVĐK quận Bình Thạnh nhưng do khám và uống thuốc lâu không khỏi nên em chuyển lên khám ở BV TMH quận 3. Em khám và nhận thuốc không được hưởng chế độ BHYT do đây là BV tuyến Trung ương. Vậy nếu em khám ở bệnh viện tuyến trung ương nhưng mang đơn thuốc về mua ở nơi đăng ký KCBBĐ thì các thuốc trong danh sách có được thanh toán BHYT không?
- Để được hưởng BHYT bạn phải đến khám tại bệnh viện Bình Thạnh và được bác sĩ tại đây chỉ định thuốc, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về toa thuốc của tuyến trên để BS tư vấn và cấp thuốc theo qui định
Hỏi: Gia đình tôi có người bị bệnh ung thư, đã điều trị hóa chất được 4 lần, đến lần thứ 6, bệnh viện báo không có thuốc và không xác định được khi nào có thuốc. Gia đình đề nghị bệnh viện kê đơn thuốc để tự mua điều trị cho đúng phác đồ. Trong trường hợp này, bệnh nhân có được thanh toán BHYT không?
- Theo quy định của Luật BHYT: các cơ sở KCB BHYT phải đảm bảo cung ứng đầy đủ DVYT (trong đó có thuốc) cho bệnh nhân trong phạm vi quyền lợi, trường hợp không cung ứng được (do hết số lượng, hoặc chưa có kết quả thầu mới...) thì CSKCB phải chuyển người bệnh tới cơ sở KCB khác để được điều trị.
Hỏi: Tôi đã rút tiền BHXH bắt buộc 1 lần sau 19 năm tôi tham gia BHXH BB. Nay tôi muốn tham gia BHXH TN được không, thủ tục bao gồm những gì, mức đóng bao nhiêu, và có được đóng 1 lần hay không. Năm nay tôi 60 tuổi, nam
- Do ông đã 60 tuổi nhưng đã rút tiền BHXH 1 lần, thời gian tham gia BHXH còn lại không có. Tại điểm 1e điều 9 của Nđ 134/2015-NĐCP thì ông không thuộc đối tượng đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu (thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Nên ông không đóng 1 lần được